Hoàn cảnh ra đời Đăng cao

Tháng 11 năm 755, tướng An Lộc Sơn khởi binh chống nhà Đường.

Năm đầu Bảo Ứng (762), quan Thiếu doãn Thành Đô (Tứ Xuyên) là Từ Tri Đạo cũng nổi lên làm phản, cho nên Đỗ Phủ lại phải lưu lạc ở vùng Tử Châu, Lãng Châu.

Để lánh thân, Đỗ Phủ định đáp thuyền đi về phía đông thì được tin người bạn tốt là Nghiêm Vũ đến trấn thủ Tứ Xuyên, ông liền từ bỏ ý định rời đất Thục. Nhờ Nghiêm Vũ cất nhắc, ông được bổ làm Tiết độ tham mưu và Kiểm hiệu Công bộ viên ngoại lang (nên ông còn được người đời gọi là Đỗ Công Bộ).

Nhưng chẳng bao lâu, Nghiêm Vũ mắc bệnh mất. Không còn chỗ dựa, năm 765, Đỗ Phủ đưa gia đình rời Thành Đô, phiêu bạt qua một số nơi rồi về tạm ngụ tới Qùy Châu (nay là huyện Phụng Tiết, tỉnh Tứ Xuyên).

Ở Qùy Châu được gần hai năm, ông sáng tác nhiều và phong phú nhất. Ông viết về cảnh non nước, cuộc sống của nhân dân và hồi tưởng về thời tuổi trẻ của mình; trong số đó có những bài rất hay như Thu hứng (tám bài), được sáng tác năm 766 và Đăng Cao được sáng tác vào mùa thu năm 767.[2]

Lịch sử Văn học Trung Quốc tập 2 nêu nhận xét chung:Thơ ở thời kỳ này (trong số đó có bài Đăng cao), tuy tính chất hiện thực không thay đổi, nhưng tình cảm trong thơ thì đã chuyển từ nồng cháy sang sang trầm tĩnh hơn, âm điệu cũng trở nên bi thương hơn.[3]